HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP
Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ ba) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2011 gồm 15 tập, bao gồm những tác phẩm, bài nói, bài viết, điện văn, thư từ, báo cáo… của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1912 đến năm 1969.
Đoàn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu Bộ sách đến với đông đảo Đoàn viên, thanh niên để Bộ sách trở thành tài liệu nghiên cứu và học tập cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách toàn diện và sâu sắc.
ĐƯỜNG KÁCH MỆNH
Đường Kách mệnh (hay Đường cách mệnh, tên cuốn sách trên bản gốc được viết là “Dường Kách mệnh”) là tác phẩm ghi lại những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu do Bộ tuyên truyền của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” phát hành vào đầu năm 1927. Cuốn sách này đánh dấu cho sự truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX.
Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho Cuốn “Đường Kách mệnh”.
nhật ký trong tù
Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記; Hán – Việt: Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài (kể cả bài thơ đề từ) theo thể Đường luật do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943.
Nhật ký trong tù không chỉ ghi những cảnh sinh hoạt trong tù, mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Để tránh rắc rối với chính quyền Tưởng Giới Thạch, ở bìa đầu cuốn sổ, Người đã cẩn thận viết chệch thời gian sáng tác đi 10 năm: “29/8/1932 – 10/9/1933”; nhưng đến cuối tập thơ, trang 53, trên chữ “hoàn” (hết), Người đã dùng cùng một thứ chữ để ghi lại thời gian sáng tác chính xác: “29/8/1942 – 10/9/1943”.
Từ năm 1960, tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt, được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ. Đến nay đã được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp chữ Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật Bản…
Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho Tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù).
tuyên ngôn độc lập
Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 02/9/1945.
Trong các ngày 28 và 29/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.
Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam, sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà ở thế kỷ XI và tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi viết năm 1428.
lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, là lời phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1946, sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp vào giữa năm 1946 để công nhận một nước Việt Nam độc lập không thành công.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Người viết vào ngày 19/12/1946 tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Lời kêu gọi được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát đi vào sáng ngày 20/12/1946.
Ngày 19/12/1946 về sau được gọi là Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
lời kêu đồng bào và chiến sĩ cả nước
Ngày 17/7/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra hết sức quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên chống Mỹ, cứu nước.
Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam, cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
Lời kêu gọi đã nói lên một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO!
Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”.
di chúc của chủ tịch hồ chí minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10/5 gồm 04 trang in khổ 14,5cm x 22cm.
Trong Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu và công bố Di chúc của Người.
Bản Di chúc đầu tiên được viết trong 05 ngày kết thúc vào ngày 15/5/1965, dài 03 trang có cả chữ ký người chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn. Năm 1968, Người viết tay bổ sung thêm 06 trang. Trong đó, Người viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Ngày 10/5/1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu di chúc gồm một trang viết tay.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) chiều ngày 03/9/1969 đã giao Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó đoạn mở đầu lấy nguyên văn bản 1969. Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới giữ nguyên văn bản 1965.
Sau 20 năm ngày mất và cũng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) cho thông báo về ngày mất chính xác và toàn Di chúc của Người. Thông tin được công bố trong Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI).
Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.